Doanh nghiệp vướng vào khủng hoảng, đâu là hướng đi cho người lao động?

Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã có những hoạt động bất ngờ khiến các nhà đầu tư trở tay không kịp. Những hoạt động này chắc chắn không chỉ có tác động tiêu cực không nhỏ lên thị trường mà còn ảnh hưởng ngược về phía doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh. Nhân sự – nguồn lực quyết định đến thành bại của doanh nghiệp là một trong những yếu tố chắc chắn sẽ phải gánh chịu những tác động to lớn nhất. Bàn về vấn đề này, ông Vũ Việt Dũng – Chủ tịch KeyPerson, Cố vấn cấp cao Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Đại Nam đã đưa ra một số nhận định về tình hình nhân sự của các doanh nghiệp này, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp và lực lượng lao động khi rơi vào những hoàn cảnh tương tự.

Gây ra khủng hoảng trên thị trường, doanh nghiệp mất gì?

1. Giảm, thậm chí mất Thương hiệu nhà tuyển dụng

Có tác động tiêu cực đến thị trường, chưa biết doanh nghiệp sẽ nhận được những gì, nhưng cái họ mất đi chắc chắn là uy tín và thương hiệu. Cụ thể ở đây, thương hiệu tuyển dụng của họ sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong thời đại tin tức ngày càng dễ khai thác và tốc độ lan truyền thông tin nhanh như vũ bão như hiện giờ. 

Với những doanh nghiệp lớn, thương hiệu tuyển dụng mà họ gây dựng lâu năm còn có khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn thậm chí mất đi. Các ứng viên sẽ không khỏi e dè, lo ngại trước những công ty mất uy tín. Chính vì vậy, việc tuyển dụng nhân viên mới của những công ty này sẽ gặp khó khăn.

2. Tăng tỷ lệ nghỉ việc và giảm năng suất lao động của nhân viên

Không chỉ ảnh hưởng tới việc tuyển dụng nhân viên mới, tâm lý của những nhân sự đang làm việc tại công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là với những nhân sự mới chỉ gia nhập công ty dưới 1 năm khi mà họ được cam kết trước khi được tuyển dụng nhưng Doanh nghiệp chưa thể thực hiện . Họ thường sẽ lung lay niềm tin vào vào công ty, từ đó dễ nhảy việc hoặc quay lại làm việc ở đơn vị cũ.

Khi doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề lùm xùm với truyền thông, nhất là khi đây chính là đơn vị gây thiệt hại cho những đối tượng khác trong xã hội, người lao động sẽ dễ bị chi phối bởi các thông tin bên ngoài, từ đó ảnh hưởng tới năng suất làm việc của cá nhân và tổ chức. Đó là chưa kể đến việc trong thời gian này, lãnh đạo của doanh nghiệp có thể sẽ  bận bịu xử lý những công vệc gây ảnh hưởng tiêu cực nên không có thời gian định hướng, chỉ đạo và thúc đẩy công việc.

3. Các chính sách nhân sự có thể bị treo, tạm dừng thực hiện

Khi các doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp đang gặp vấn đề cần giải quyết, thì các công ty cũng thường tạm dừng, hoãn hay thậm chí không phê duyệt các chính sách nhân sự như lương, thưởng, đãi ngộ… dù trước đó đã có kế hoạch triển khai. Đây là những thiệt thòi lớn cho tổ chức cũng như cho người lao động.

4. Hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ bị đình trệ Và cũng từ những khủng hoảng này, hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp sẽ bị đình trệ nghiêm trọng. Thông thường, các hoạt động đào tạo sẽ được chú trọng khi doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển còn trong thời kỳ khó khăn, đây là hoạt động dễ bị bỏ bê. Mặt khác, các doanh nghiệp hay coi ngân sách đào tạo là chi phí thay vì coi đó là một khoản đầu tư. Do vậy, trong giai đoạn này các hoạt động này sẽ bị đình trệ, gây chán nản cho những người làm đào tạo, còn người lao động thì chắc chắn sẽ chịu thiệt thòi khi không có điều kiện để nâng cao nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng.

Vậy trong tình hình khủng hoảng, doanh nghiệp và người lao động cần phải làm gì?

Ông Vũ Việt Dũng chia sẻ: “Trong những hoàn cảnh này, doanh nghiệp cần tổ chức các buổi chia sẻ, đối thoại thẳng thắn để người lao động có thể hiểu rõ tình cảnh của công ty. Nếu như bản thân doanh nghiệp đó đã xây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp tốt thì sẽ rất dễ có sự đồng thuận vượt qua khó khăn từ tất cả mọi người.”

“Mặt khác, doanh nghiệp không nên cắt hết những chính sách đãi ngộ, cũng như không nên dừng toàn bộ các ngân sách nhân sự và đào tạo mà cần cần xem xét kĩ lưỡng, duy trì và vẫn triển khai những ngân sách thực sự cần thiết với hoạt động của doanh nghiệp.” “Về phía người lao động, họ cũng cần chia sẻ, hiểu và cảm thông với tình cảnh của doanh nghiệp để có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Bởi nếu vượt qua được những giai đoạn như vậy, doanh nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá rất mạnh mẽ. Trước những biến động của doanh nghiệp, người lao động cũng nên tìm cho mình những Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, từ đó có thể đưa ra những lời khuyên hợp lý cho bản thân trước khi quyết định thay đổi môi trường làm việc.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *