HN đợt này đã đông đúc trở lại khi mà học sinh sinh viên, người đi làm đã gần như trở lại nhịp công việc bình thường trước dịch.
Sáng sáng khi ra đường chờ đèn xanh đèn đỏ, tôi có dịp chứng kiến nhiều vụ tai nạn và cũng từng suýt bị mấy anh chị em dân văn phòng đâm vào do họ vượt đèn đỏ.
Tôi mới nghĩ tại sao họ lại làm thế? Có phải họ muốn thế hay không? Nhìn đồng hồ nhận ra: hóa ra sắp đến giờ làm, chắc họ phải đến văn phòng để kịp checkin tại máy chấm công ko thì muộn giờ. Có thể nếu muộn họ sẽ bị phạt nào đó nên họ phải cố phóng thật nhanh, thậm chí vượt đèn đỏ.
Chủ đề nên hay không nên dùng máy chấm công tôi cũng đã từng thảo luận với mấy người bạn khi được hỏi, và quan điểm
của tôi về việc có cần thiết phải dùng máy chấm công để quản lý giờ giấc nhân viên hay không. Quan điểm của tôi cho rằng như sau:
– Cần: nếu đó là công việc mà năng suất lao động phụ thuộc vào thời gian. ví dụ như sản xuất chẳng hạn, sẽ tính năng suất là 2 phút làm ra 1 sản phẩm thì việc làm đúng giờ sẽ tính đc rõ ràng. Hay các công việc dịch vụ phải phục vụ khách hàng đúng thời gian cũng có thể cần đến chiếc máy này.
– Không cần: các công việc còn lại, không đo đếm được năng suất theo thời gian, liên quan đến sáng tạo (MKT, IT..) thì việc kiểm soát nhân viên ngồi vào bàn đúng giờ nhưng suy nghĩ của họ không ở công việc thì tôi cho rằng không cần thiết.
Vậy tại sao các doanh nghiệp họ vẫn dùng
máy chấm công, thậm chí còn đưa ra những hình thức phạt khi đi muộn, có nơi còn áp dụng cả các hình thức kỷ luật lao động rất nặng nề. Điều đó có thể đến do họ cho rằng một văn phòng thì một trong những thiết bị cần trang bị tối thiểu là chiếc máy chấm công. Hoặc có thể do cán bộ nhân viên họ không tuân thủ giờ giấc, gây ảnh hưởng tới kỷ luật, năng suất lao động của Doanh nghiệp.
Quản trị năng suất không nằm ở việc có làm việc đúng giờ hay không, mà nó nằm ở việc Doanh nghiệp có đủ công việc, có giao việc và thúc đẩy công việc một cách hiệu quả hay không. Nhiều DN bây giờ quan tâm đến nâng cao hiệu quả bằng việc làm cho nhân viên Hạnh phúc khi đến công ty thông qua nhiều hoạt động như Happy hour, đào tạo, văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên việc đo lường hạnh phúc còn là một
bài toán lớn, không thể đo đếm bởi các giải thưởng về HR mà DN nhận được là đủ.
Với quan điểm của tôi và thực tế hiện tại DN của tôi (một công ty không tính năng suất theo thời gian) không áp dụng máy chấm công, tuy nhiên hiệu quả công việc luôn được đánh giá tốt, các bạn nhân viên luôn làm với tinh thần hết việc chứ không hết giờ, không ngại phải làm ngoài giờ. Bởi vì họ yên tâm rằng nếu hôm nay có phải làm việc muộn, ngày mai cũng sẽ không phải tất tả phóng nhanh, thậm chí vượt đèn đỏ để đến bấm vào máy chấm công. Tinh thần thoải mái, công việc sẽ thoải mái và hiệu quả hơn.
Còn bạn, đã bao giờ bạn phải vượt đèn đỏ để đến chấm công chưa?