Là người đã đồng hành cùng hàng ngàn bạn trẻ trong nhiều chương trình giáo dục tài chính, ông Vũ Việt Dũng, Chủ tịch KeyPerson Academy thường trăn trở về cách thế hệ Gen Z, đặc biệt là các bạn học sinh cấp 3 chuẩn bị bước vào cánh cổng đại học, đối mặt với những thách thức tài chính. Khi xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập, các bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng việc quản lý tài chính không chỉ là kỹ năng cần thiết mà còn là yếu tố quyết định đến sự thành công trong cuộc sống sau này.
“Trong suốt những năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các bạn trẻ, vì thiếu kiến thức và kỹ năng tài chính, rơi vào những cái bẫy tài chính nguy hiểm. Các hình thức lừa đảo như tín dụng đen, nợ xấu luôn rình rập, đặc biệt là những người mới chập chững bước vào đời. Những lời mời vay nhanh, không cần thế chấp, với lãi suất tưởng chừng như hấp dẫn thực chất là những cái bẫy khiến các bạn không chỉ mất tiền mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác về lâu dài.” Ông Dũng cho biết.
Gen Z Việt Nam và Thực Trạng Quản Lý Tài Chính Cá Nhân
Theo ông Vũ Việt Dũng, một trong những vấn đề nổi cộm của giới trẻ Việt Nam hiện nay là thói quen tiêu xài phung phí vào những sở thích vô bổ, thiếu kế hoạch dài hạn. Thống kê từ một báo cáo của Nielsen, 45% người trẻ Việt Nam chi tiêu quá mức vào các hoạt động giải trí như ăn uống, mua sắm trực tuyến, và các sản phẩm công nghệ. Mạng xã hội và xu hướng “sống ảo” cũng góp phần khiến nhiều bạn trẻ dễ bị cuốn vào việc chi tiêu cho những thứ không thực sự cần thiết, nhằm duy trì một hình ảnh lý tưởng trước bạn bè. Không ít trường hợp, các bạn trẻ sẵn sàng vay nợ để theo đuổi lối sống tiêu dùng phô trương, dẫn đến những hệ lụy về tài chính và tâm lý sau này.
Xu hướng tiêu dùng của Gen Z thường tập trung vào trải nghiệm cá nhân, như chi tiêu cho du lịch, ăn uống, và giải trí. Tuy nhiên, việc chi tiêu này đôi khi thiếu sự cân nhắc và lập kế hoạch dài hạn, dẫn đến những nguy cơ tài chính trong tương lai. Chỉ có khoảng 30% số bạn trẻ có thói quen tiết kiệm đều đặn, trong khi phần lớn còn lại chưa có kế hoạch tài chính cụ thể. Điều đáng lo ngại hơn là số liệu từ nhiều tổ chức tài chính cho thấy, tỷ lệ Gen Z mắc nợ sớm đang gia tăng đáng kể, đặc biệt là các khoản nợ từ các ứng dụng vay tiền nhanh và tín dụng đen.
Ông Dũng cũng chia sẻ một khảo sát do KeyPerson thực hiện với 25.000 bạn học sinh từ 14 trường THPT miền Bắc cho thấy:
– Có tới 47.6% các bạn được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng: Các bạn học sinh đã và đang được tiếp xúc sớm hơn với các khoản tiền nhỏ, vì vậy việc trang bị kiến thức quản lý số tiền mình có từ sớm là rất cần thiết.
– 83.6% các bạn học sinh đã biết tiết kiệm những khoản tiền riêng: Phần lớn các bạn đã có ý thức tích góp khoản tiền của mình vào một mục đích cụ thể.
– 69.4% các bạn đã bắt đầu kiếm tiền ngay từ cấp 3: Áp lực đồng trang lứa và xu hướng khởi nghiệp thời nay khiến các bạn có nhu cầu học cách kiếm tiền từ sớm, điều này cho thấy các bạn càng cần được trang bị kỹ năng về cách tự quản lý chi tiêu cá nhân.
– 44.9% các bạn chưa nhận biết được dấu hiệu của các hoạt động tín dụng đen: Các bạn học sinh dù đa số chưa quá dư dả về mặt tài chính, tuy nhiên các bạn vẫn là “con mồi” của các đối tượng lừa đảo bởi sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết.
Ông Dũng cảnh báo:
“Trong thời đại kỹ thuật số, các hình thức lừa đảo tài chính trở nên tinh vi và khó lường hơn. Nhiều bạn trẻ dễ dàng bị cuốn vào những lời mời gọi vay tiền nhanh với lãi suất hấp dẫn mà không hiểu rõ hậu quả. Điển hình là các ứng dụng tín dụng đen với hình thức vay trực tuyến, chỉ cần vài cú click chuột, nhưng sau đó là những khoản nợ tăng theo cấp số nhân. Có bạn trẻ thậm chí đã phải đối mặt với các khoản nợ gấp 5-10 lần so với khoản vay ban đầu, dẫn đến tình trạng bị đe dọa, thậm chí là khủng hoảng tinh thần.”
Tuy nhiên thực tế, vẫn có những bạn trẻ có khả năng tự chủ và kiểm soát tài chính tốt, giúp họ đạt được những thành công từ rất sớm. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, khoảng 20% số bạn trẻ Việt Nam trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã bắt đầu sở hữu nhà hoặc xe riêng trước khi chạm mốc 30 tuổi. Điển hình như câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Hà, một cô gái 26 tuổi tại TP.HCM, đã có thể mua được căn hộ đầu tiên chỉ sau 5 năm đi làm. Bí quyết của Thu Hà nằm ở việc áp dụng nguyên tắc chi tiêu 50/30/20 và tích lũy đều đặn từ thu nhập hàng tháng. Thay vì chạy theo các xu hướng mua sắm, Hà đã tập trung đầu tư vào quỹ tiết kiệm và các hình thức đầu tư an toàn như chứng chỉ quỹ, giúp cô có được nền tảng tài chính ổn định.
Câu chuyện của Hà chỉ là một trong nhiều ví dụ minh chứng cho việc thế hệ trẻ hoàn toàn có thể thành công về tài chính nếu biết quản lý tốt tiền bạc từ sớm. Trong khi nhiều bạn trẻ khác còn đang mắc kẹt trong vòng xoáy tiêu xài vô độ, thì những người có ý thức tự chủ tài chính đã và đang tận dụng các cơ hội để tích lũy và đầu tư một cách khôn ngoan.
Tự lập tài chính – Bài học không thể thiếu
“Khi các bạn chuẩn bị xa gia đình, điều đầu tiên cần làm không chỉ là sắp xếp hành trang vật chất mà quan trọng hơn cả là sắp xếp hành trang kiến thức tài chính. Không chỉ là biết cách chi tiêu hợp lý, mà các bạn cần biết đến các nguyên tắc quan trọng như tích lũy, quản lý dòng tiền và đề phòng rủi ro tài chính. Một trong những nguyên tắc mà tôi thường khuyên các bạn trẻ áp dụng chính là quy tắc 50/30/20, chia thu nhập hàng tháng thành ba phần: 50% cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho chi tiêu cá nhân, và 20% để tiết kiệm.”
Ngoài ra, ông Vũ Việt Dũng cũng nhấn mạnh việc xây dựng một quỹ dự phòng cho những trường hợp bất ngờ như ốm đau, tai nạn hoặc những chi phí phát sinh đột ngột. Đây là một trong những cách bảo vệ bản thân khỏi việc phải vay nợ ngoài mong muốn. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tìm hiểu thêm về các hình thức đầu tư an toàn, giúp tăng trưởng tài chính một cách bền vững.
Trang bị hành trang tài chính cho thế hệ trẻ
Với mong muốn giúp các bạn học sinh, sinh viên không chỉ tránh được những rủi ro tài chính mà còn xây dựng được nền tảng kiến thức vững chắc, Công ty KeyPerson chúng tôi đã tổ chức chương trình “Tài chính Gen Z” trong suốt 4 mùa cùng với Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam. Năm nay, chương trình được tổ chức tại 10 tỉnh thành khu vực miền Bắc, mang đến những bài học thực tế về tài chính cá nhân cho hàng chục ngàn học sinh THPT.
“Chúng tôi không chỉ chia sẻ lý thuyết mà còn lồng ghép những bài học qua các hoạt động nhóm, trò chơi tài chính, giúp các bạn trẻ có thể dễ dàng tiếp thu và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, chúng tôi hy vọng rằng các bạn học sinh sẽ không chỉ hiểu rõ về cách quản lý tiền bạc mà còn biết cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ như tín dụng đen và nợ xấu.”
Ấn tượng của chương trình không chỉ mang lại những kiến thức quý báu cho các bạn học sinh mà còn lan tỏa đến cả các cán bộ, giáo viên của các trường THPT trong việc quản lý tài chính cá nhân, chống tín dụng đen. Nhiều thầy cô đã chia sẻ rằng khi tiếp cận với chương trình là lần đầu tiên họ được biết về các nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân, điều này càng thôi thúc cho chúng tôi thực hiện những chương trình tiếp theo ngày một chất lượng hơn.