Tái khởi động “Tài chính GenZ” mùa 2 cùng trường THPT Xa La

Nối tiếp thành công của chương trình Tài chính Gen Z mùa 2 tại trường THPT Trần Hưng Đạo, ngày 13/02, khoa Tài chính ngân hàng Đại học Đại Nam phối hợp với Công ty KeyPerson tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng quản lý Tài chính cá nhân cho các em học sinh tại Trường THPT Xala – Hà Đông.

TÀI CHÍNH GENZ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT ?

“Tài chính Gen Z” là chương trình thường xuyên của Khoa Tài chính Ngân hàng (TCNH), Đại học Đại Nam nhằm cung cấp những kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, giúp các bạn học sinh có thêm những kiến thức thiết thực và tự tin bước vào đời.

Với sứ mệnh giúp các em học sinh khối Phổ thông nắm rõ và vận dụng linh hoạt những kỹ năng cần thiết để có thể hướng nghiệp đúng đắn, đồng thời biết quản lý Tài chính cá nhân, chương trình luôn nhận được sự quan tâm, tham gia và phản hồi tích cực từ các Nhà trường, Phụ huynh và học sinh.

Học sinh trường THPT Xala chăm chú nghe chia sẻ

Mở ra mùa 2 của “Tài chính gen Z” Khoa TCNH DNU luôn tiếp cận và thay đổi chiến lược dạy học để phù hợp nhất với người học và thời đại công nghệ số. Đặc biệt, “Tài chính Gen Z mùa 2”, có thêm sự đồng hành của nhà tài trợ Mobifone hứa hẹn sẽ đem đến nhiều phần quà hấp dẫn và bùng nổ hơn mùa một.

Chương trình được diễn ra từ 7h – 8h45 ngày 13/2 tại Trường THPT Xala

ThS. Bùi Xuân Luân – Phó trưởng khoa TCNH, Điều hành chung của chương trình

Với các nội dung chính là ‘Talkshow: Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân’, Trao giải thưởng GIVE AWAY vòng quay may mắn và Trao học bổng do Mobifone tài trợ”

TALKSHOW: KỸ NĂNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

Các em học sinh Trường THPT Xala đã được nghe diễn giả Nguyễn Xuân Tiệp – Giảng viên khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Đại Nam chia sẻ về các kỹ năng quản lý Tài chính cá nhân.

“Trong thế kỷ 21, để trở thành những công dân toàn cầu với đầy đủ kiến thức và những kỹ năng cần thiết để có thể sống, hội nhập và phát triển bản thân ở môi trường quốc tế thì kỹ năng quản lý Tài chính cá nhân là một trong những yếu tố then chốt và vô cùng quan trọng” – Diễn giả chia sẻ

Cán bộ giảng viên khoa TCNH, Diễn giả – Thầy Nguyễn Xuân Tiệp

Thầy cô giảng viên khoa TCNH đã đưa ra những ví dụ gần gũi, cụ thể trong cuộc sống hàng ngày từ đó giúp các bạn hiểu rõ hơn cách quản lý chi tiêu cá nhân như chơi trò chơi phân chia quỹ tài chính, quay mini game nhận thưởng trả lời câu hỏi. Từ những điều tưởng như rất bình thường, hóa ra lại có rất nhiều bài học sâu sắc phía trong, giúp chúng ta độc lập, tư do tài chính.

Việc tích lũy và quản lý Tài chính cá nhân không chỉ mang đến cho các em sự chủ động, độc lập mà còn là cơ sở quan trọng để các em có những kế hoạch làm việc, học tập và theo đuổi những đam mê của mình.

Học sinh trường hưởng ứng trò chơi trong buổi Workshop

MỤC TIÊU CỦA TALKSHOW

Giúp các em học sinh nắm được các kỹ năng quản lý tài chính cơ bản

Nhận thức được các nhân tố để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả

Vận dụng được quy trình quản lý tài chính cá nhân

Đây đều là những chìa khóa quan trọng trên những chặng đường theo đuổi đam mê, thực hiện ước mơ cũng như xây dựng cuộc sống của các em. Ở độ tuổi THPT, các em hoàn toàn có thể tự tin sẻ chia về niềm đam mê, ước mơ và dự định tương lai của bản thân.

TRAO GIẢI THƯỞNG GIVE AWAY

“Minigame GIVE AWAY”  thuộc chuỗi hoạt động chương trình “Tài chính GenZ mùa 2” do khoa tài chính ngân hàng trường Đại học Đại Nam cùng các điểm trường phối hợp tổ chức nhằm tìm hiểu về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của học sinh.

Ba bạn trúng giải Minigame GiveAway – Vòng quay may mắn tại fanpage

TRAO HỌC BỔNG TỪ NHÀ TÀI TRỢ MOBIFONE

Nhà Tài trợ Mobifone trao tặng 10 suất quà học bổng trị giá 6 triệu đồng cho điểm trường THPT Xa La 

Trường THPT Xala là điểm trường đầu tiên, Mobifone đồng hành cùng Tài chính GenZ. Với mong muốn đem đến cho học sinh những điều tốt đẹp nhất, Mobifone trao tặng trường 10 suất học bổng.

CHỐNG “TÍN DỤNG ĐEN”

Chúng ta có thể hiểu “tín dụng đen” là hình thức cho vay vốn nhưng có lãi suất cao của cá nhân hoặc một tổ chức nào đó. “Tín dụng đen” không được kiểm soát cũng như bảo vệ người vay. Lãi suất “tín dụng đen” không có quy định cụ thể. Hầu như lãi suất do cá nhân hoặc tổ chức cho vay “tín dụng đen” tự đặt, lãi suất thường vượt 150% mức lãi suất căn bản của ngân hàng nhà nước.

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền. Vì lãi suất cao nên nhiều người không đủ khả năng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con nên đã bị các đối tượng uy hiếp, bôi nhọ danh dự và để lại hậu quả nặng nề.

CÁCH ĐỂ TRÁNH RƠI VÀO BẪY “TÍN DỤNG ĐEN”

Tránh xa những quảng cáo vay vốn ưu đãi hay đăng ký thẻ tín dụng không chứng minh thu nhập,..từ các thông báo, tờ rơi ngã tư hay cột điện.

Tìm hiểu, hỏi ý kiến thầy cô, những người có chuyên môn xem có nên sử dụng dịch vụ cho vay của một cá nhân, tổ chức tài chính hay không.

Nếu chưa thật sự cần thì không nên tìm hiểu những dịch vụ này để tránh bẫy nợ tín dụng đen nguy hiểm.

Với những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn qua lời chia sẻ đầy sâu sắc nhưng cũng không kém phần hài hước từ diễn giả Nguyễn Xuân Tiệp hôm nay, Tài chính GenZ mong muốn giúp các bạn học sinh THPT Xala có thể hiểu rõ về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân và nắm được phương pháp quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả để không phải rơi vào bẫy “tín dụng đen”

Hình ảnh BTC cùng thầy cô cán bộ giảng viên trường THPT Xa La

NHỮNG CHIA SẺ CỦA HỌC SINH TRƯỜNG THPT XA LA SAU CHƯƠNG TRÌNH

Bạn Tô Ngọc Vũ, học sinh lớp 10 trường THPT Xa La là một trong những người tham gia phỏng vấn chia sẻ với chúng tôi:

“Em thấy chương trình hôm nay rất bổ ích, vì đã đến những kiến thức về kĩ năng quản lý tài chính cho bản thân mình. Có thể giúp chúng ta về hiện tại trong cuộc sống cũng như trong tương lai.

Sau chương trình hôm nay bản thân cũng rút ra thêm về thế nào là tài chính, nên nhìn nhận lại tài chính cá nhân, có thể học cách tiết kiệm hay thậm chí là đầu tư.

Một trong các nguyên tắc hôm nay được biết đến, thì em rất muốn tìm hiểu và trải nghiệm thực tế về quy tắc 6 chiếc lọ vì phổ biến rất sát với thực tế mà các bạn học sinh nên tìm hiểu. “

Phương Thảo – Võ Thu Phương